Mọi người vẫn nghĩ và tin rằng con tàu huyền thoại Titanic cùng thủy thủ đoàn của nó bị chìm vì đâm phải một tảng băng trôi khổng lồ, đến khi phát hiện ra thì đã quá muộn. Nhưng theo một cuốn sách mới được xuất bản, tác giả của nó còn chứng minh cho thấy con tàu này chìm vì cả những sai lầm "ngớ ngẩn" của những sĩ quan lái tàu.
Theo cuốn sách, con tàu đã có rất nhiều thời gian để có thể tránh được thảm họa trên. Nhưng do thủy thủ và thuyền trưởng trên tàu quá hoảng loạn dẫn tới sai lầm trong hoạt động chỉ đạo. Đến khi lỗi lầm nghiêm trọng này được sửa chữa thì đã quá muộn, bên cạnh tàu đã xuất hiện một lỗ thủng lớn do tảng băng trôi gây ra.
Tàu Titanic bị chìm năm 1912 trên Đại Tây Dương sau khi va vào tảng băng trôi
Thậm chí, sau đó các hành khách và thủy thủ đoàn trên tàu có thể đã được bảo vệ đến lúc tàu cứu hộ tới thì những hành động sai lầm khác lại tiếp tục khiến nước đổ vào tàu nhanh hơn và làm nó bị chìm nhanh hơn.
Sự thật trên được giữ kín tới tận bây giờ sau gần 100 năm và được tiết lộ bởi gia đình của những sĩ quan cao cấp nhất có mặt trên con tàu định mệnh của năm đó.
Charles Lightoller, một chỉ huy thứ 2 trên con tàu, người đã che giấu bí mật trên trong suốt một thời gian dài vì sợ hãi điều đó có thể khiến công ty phá sản, nhiều đồng nghiệp của ông phải thất nghiệp và danh dự của họ cũng bị ảnh hưởng. Ngay cả sau khi ông qua đời, các thành viên trong gia đình ông vẫn ám ảnh nỗi sợ về việc bí mật bị lộ ra ngoài có thể ảnh hưởng tới danh tiếng của gia đình họ.
Nhưng bây giờ, cháu gái của ông là một nhà văn người Đức - bà Lady Patten đã kể lại sự thật xảy ra năm đó trong cuốn tiểu thuyết mới nhất của mình. Bà là vợ của Bộ trưởng giáo dục Lord John Patten.
"Họ đã có thể dễ dàng tránh được những tảng băng trôi nếu không có những sai lầm này" - bà cho biết.
Những sai lầm trên con tàu khởi hành từ Southampton tới New York năm 1912 xảy ra đúng thời điểm có một thay đổi lớn trong ngành hàng hải, đó là việc chuyển đổi từ thuyền buồm sang sử dụng động cơ hơi nước. Sự thay đổi lớn này kèm theo đó là hệ thống lái khác nhau với những thay đổi lớn khác gắn liền với chúng.
Tàu Titanic là một tàu hơi nước nhưng nó vẫn sử dụng hệ thống bánh lái Tiller cũ và kết hợp với hệ thống lái Rudder mới. Điều quan trọng hơn cả là cả hai hệ thống lái này đều trái ngược hoàn toàn nhau. Vì vậy, với một lệnh di chuyển sang mạn phải thì có nghĩa là phải xoay bánh lái của hệ thống Tiller sang trái và của hệ thống Rudder sang phải.
Khi thuyền trưởng William Murdoch là người đầu tiên phát hiện ra tảng băng trôi ở khoảng cách hai dặm, ông đã ra lệnh cho sĩ quan Robert Hitchins lái tàu sang mạn phải. Trên thực tế, ông Hitchins cần phải làm theo lệnh là xoay bánh lái Tiller sang trái, nhưng do hoảng hốt nên ông đã quay sang phải.
Mặc dù 4 phút sau đó Hitchins đã phát hiện ra sai lầm của mình và cố gắng sửa chữa nhưng tất cả đều đã quá muộn. Mũi tàu đã chẻ đôi một tảng băng trôi.
"Những thủy thủ đã hoảng sợ và không hiểu lý do tại sao Titanic lại đâm vào tảng băng trôi và không bao giờ tới được thành phố nó cần tới trong chuyến ra khơi đầu tiên. Đó là vì ôngđã quay bánh lái sai đường" - bà Lady Patten cho biết.
Ông ngoại của bà không phải là người chứng kiến thời điểm va chạm đó nhưng ông là người có mặt trong buổi họp cuối cùng giữa 4 sĩ quan cao cấp trong cabin của sĩ quan trước khi con tàu Titanic chìm xuống đáy Đại Tây Dương. Và tại đây, ông đã được nghe không chỉ lời thú tội về sai lầm chết người trên mà còn cả những gì xảy ra tiếp theo.
Bruce Ismay, chủ tịch hội đồng sở hữu tàu Titanic thuộc công ty White Star Line, đã thuyết phục thuyền trưởng tiếp tục để con tàu di chuyển như lộ trình trước đó. 10 phút sau sự cố, Titanic vẫn chầm chậm di chuyển trên đại dương.
Chính điều đó đã làm tăng thêm áp lực nước chảy qua thân tàu bị hư hại làm ngập các vách ngăn kín nước và đánh chìm tàu Titanic nhanh hơn vài giờ so với bình thường khi nó ngừng di chuyển.
"Ismay đã quyết định tiếp tục hành trình để mọi người không nghi ngờ làm tổn hại tới uy tín cũng như danh tiếng của công ty ông ta" - Lady Patten cho biết.
"Chiếc tàu gần nhất với nó chỉ cách có 4 giờ đi trên biển. Đến lúc đó nếu tàu ngừng chuyển động và để thả trôi trên biển, có thể mọi người trên tàu đã được cứu".
Và sự thật về cái đêm lịch sử đó sau này đã cố tình bị chôn vùi. Ông Lightoller, người biết chính xác những gì xảy ra đã không bao giờ tiết lộ cho những người khác. Bởi ông cần phải bảo vệ danh dự của mình và ông nghĩ rằng đó cũng là trách nhiệm cần phải bảo vệ ông chủ của ông cùng những nhân viên dưới quyền ông. Sau này, ông cũng trở về thành lập một doanh nghiệp sửa chữa tàu thủy của riêng mình ở Richmond-on-Thames.
Sau này, ông đã được thẩm tra hai lần bởi Thượng viện Hoa Kỳ và Hội đồng Thương mại Anh về những lời hội thoại cuối cùng giữa ông với thuyền trưởng hoặc William Murdoch người phụ trách bánh lái lúc đó. Và cả hai lần ông đều không hé lộ một lời nào về sự thật.
"Người duy nhất ông đã kể lại câu chuyện đầy đủ về tất cả những gì xảy ra trong đêm đó là người vợ yêu dấu của ông - bà Sylvia - bà ngoại của tôi" - Lady Patten kể lại.
"Thời niên thiếu, tôi cũng bị mê hoặc bởi con tàu Titanic. Chính mẹ Granny là người đã kể lại cho tôi câu chuyện về đêm đó và chúng tôi đã nói chuyện không ngừng về nó. Mẹ mất khi tôi 16 tuổi. Mặc dù bà chẳng dặn dò tôi không được tiết lộ câu chuyện đó cho ai khác nhưng tôi cũng đã không kể với một ai kể cả là chồng hay con cái tôi".
"40 năm sau khi mẹ tôi qua đời, tôi đã bí mật viết cuốn tiểu thuyết thứ hai của tôi và tôi là người cuối cùng còn sống trong gia đình biết được thực sự những gì đã xảy ra trong đêm tàu Titanic chìm".
Vì danh dự, ông ngoại của bà cũng đã từ chối mệnh lệnh xuống tàu cứu sinh ít ỏi để tránh tàu chìm. Ông đã quyết định nhảy xuống biển để quyên sinh cùng với con tàu và những sai lầm của ông, của cả thủy thủ đoàn. Ông đã bị chìm xuống rất sâu. Nhưng số phận không cho ông kết thúc cuộc đời mình như vậy. Con tàu chìm đã gây ra một đợt sóng ngầm lớn đẩy ông quay trở lại mặt nước. Và sau đó ông được một xuồng cứu sinh đi qua cứu.
Lady Patten, 56 tuổi, tác giả của cuốn sách và là hậu duệ của ông Charles Lightoller.
Bà là người cuối cùng còn sống biết được sự thật về cái đêm định mệnh trên con tàu huyền thoại
Nhưng tại sao và bà ngoại của Lady Patten không nói lên sự thật này sau khi ông qua đời năm 1952? Theo lý giải của tác giả cuốn sách thì bà ngoại của bà đã lo ngại rằng người biết sự thật đó không chỉ có một mình chồng bà. Nếu lúc đó mọi chuyện được phanh phui, có thể sẽ hủy hoại danh tiếng của nhiều người khác. Bà chỉ tiết lộ với người con gái duy nhất của bà là mẹ Lady Patten - người tôn thờ cha mình như một vị anh hùng.
Câu chuyện đã được giữ kín trong gia đình bà Patten trong nhiều thế hệ. Mặc dù bà Patten có chị gái nhưng chị bà đi học trường nội trú từ nhỏ nên không biết, bà Patten ốm yếu nên phải ở nhà thường xuyên và có nhiều thời gian hơn bên bà ngoại và mẹ và nhờ đó được nghe câu chuyện trên.
Nhưng bây giờ, khi những người trực tiếp liên quan tới bí mật này đều đã qua đời cộng với lời nhắn nhủ của mẹ bà rằng ông nội bà phải luôn được nhớ tới như một anh hùng đã khiến bà quyết định kể lại sự thật trên. Dù nó có khiến dư luận bất ngờ, có gây ra một cuộc tranh cãi lớn nữa như thế nào và danh dự gia đình của bà có thay đổi ra sao thì với bà Lady Patten vẫn cảm thấy thanh thản. Bởi theo bà, bà biết mình còn nợ thế giới một sự thật và bà phải trả nợ nó trước khi bà qua đời khiến bí mật đó chết theo bà.
Nguyễn Hường (Theo Telegraph)
Nguồn: bee.net.vn