Gái điếm (Chương II)

Hiện tại, vì công việc quá bận rộn nên mình không còn thời gian để post bài và duy trì nội dung cho blog nữa. Do đó tại thời điểm này, mình quyết định ngừng phát triển blog. Mọi bài viết sẽ vẫn được lưu trữ và mình sẽ cố gắng hỗ trợ tất cả các bạn khi có comment hỏi. Cảm ơn các bạn đã ủng hộ blog suốt thời gian qua !

Chương II. Sông tóc dài ơi



Tôi rệu rã trở về. Con đê dài heo hút gió đổ về từ phía mặt sông. Chờ mãi cơn mưa không đến để trôi hết nỗi buồn. Thất thểu bước, vai mang một cái túi nhỏ. Đã hứa sẽ mang tiền về cho mẹ, nhưng không còn một cắc nào, tôi chỉ mang đau đớn và xót xa về thôi.


Bước vào căn nhà chống chếnh lạnh lẽo, tôi gọi mẹ, lúc này mẹ nằm trên giường. Đôi mắt chong gỉ, tóc dài xơ xác phất phơ, tội nghiệp. Mẹ cố trở dậy, ôm con gái vào lòng, xoa đầu tôi như ngày bé thơ. Giọng mẹ nghèn nghẹn, lẫn tiếng ho khù khụ cào vào không gian, bỏng rát, nghe như cả nỗi đau khổ từ xưa vọng về, ngấm vào trái tim đứa con gái tội nghiệp này.


- Ở nhà thôi con, mẹ chẳng cần gì cả. Mẹ sẽ thêm mấy sào ruộng nữa rồi hai mẹ con mình làm, có cháo ăn cháo, có rau ăn rau – mẹ bùi ngùi nói thêm, cái nhìn chảy dài dòng nước mắt, thê lương.


- Không, con chưa thể về được mẹ ạ. Con phải kiếm tiền. Không có tiền cuộc sống cơ cực, kẻ khác khinh bỉ không chịu được. Mẹ chịu khó một vài năm nữa thôi…


- Mày cứ đi liên miên à, trong bộ dạng mày, lại tay trắng… Đời không đơn giản vậy đâu con. Kiếm được đồng tiền là mồ hôi nước mắt rớt xuống…


Đêm, tôi nằm nghe tiếng mẹ ho mà thấy xót xa vô cùng. Không thể nào nhắm mắt được. Hình bóng của những gã đàn ông lại hiện về, tiếng kêu rên lạc thú xen lẫn với tiếng lá xào xạc, tiếng gió trườn mình, tiếng ho của mẹ… Tất cả đổ gục trong cái đầu bé nhỏ, u mê. Mẹ tôi không ngủ được nên đến gần tôi nói chuyện. Mấy năm nay mẹ già đi nhiều quá, da đã nhăn nheo, hai bàn tay gầy nhẳng. Tuổi đã nhiều nhặn gì.


- Con không ngủ được sao? Mẹ cũng không ngủ được, độ này mẹ hay nhớ đến mày, chỉ lo… Tốt hơn con đừng đi nữa, ở nhà rồi lấy một thằng chồng…


- Ai chịu lấy con đâu. Người ta chỉ coi con… Mà thôi, không nhắc chuyện đó nữa… Khó ngủ quá mẹ. Mẹ cũng không ngủ được sao?



Kiếm được đồng tiền là mồ hôi nước mắt rớt xuống…


Mẹ nén tiếng thở dài. Tôi sợ những tiếng thở dài như thế. Nhiều tiếng thở dài là mẹ có nhiều nỗi khổ tâm. Ngày tôi bỏ nhà đi, mẹ đã khóc cạn nước mắt. Dòng sông ngoài kia oằn mình trong đau đớn của mẹ, mẹ từng ngã ở đó, uống nước, mùa nước dâng lên cao, đục ngầu, ngấp nghé tràn bờ. Tuổi thơ tôi đã gắn bó với dòng sông. Nó nhìn tôi lớn lên, chứng kiến đời gặm nhấm mẹ bằng tất cả sự hằn học bì ổi. Và sau này, mỗi khi trở về sau cơn mơ phố xá ngột ngạt, sông lại chứng kiến lời thì thào tâm sự của đứa con gái bé bỏng nhơ nhuốc, phải không sông?


- Nếu con muốn, mẹ sẽ bán chỗ này đi, hai mẹ con đến một nơi nào đó không ai biết mẹ con mình. Nơi đó, mẹ con mình sống bình yên, con sẽ lấy chồng, đồng ý đi con.


Tôi an ủi mẹ:


- Mẹ yên tâm, con sẽ kiếm một công việc có nhiều tiền để giúp mẹ, vừa rồi con không may mắn, công việc chẳng ổn định nên không có tiền.


Mẹ ôm chặt tôi hơn, áp má mình vào má tôi, nóng hôi hổi, run như lá mỏng gặp gió to.


- Vy ơi, mày đừng dối mẹ nữa. Mày tưởng lừa được mẹ hay sao. Tao biết cả rồi.


Tôi cứng lưỡi, tay chân cũng đờ đẫn mỏi nhừ. Tự thấy mình đáng trách, tưởng lớn lên rồi thì mang niềm vui đến cho mẹ, mà vẫn để mẹ phải xấu hổ mãi. Ôm chặt mẹ hơn, hai mẹ con ôm nhau khóc. “Mẹ ơi, mẹ biết cả ư, con xin lỗi, con đã nói dối. Con khổ quá mẹ ơi…”.


“Được rồi con, mẹ nghèo quá không nuôi nấng được con lên người để con phải bươn chải trong tủi nhục. Đừng khóc nữa Vy ơi”.


Và cơn mưa như mong đợi đã đổ về, ít nhất là tôi biết nơi xóm vắng tẹo teo này, thỏa cơn cuồng si của những đợt gió gào từ chiều. Nước mưa trút buồn tong tỏng xuống lá, mái gianh xối xả… Đột nhiên đèn tắt phụt. Tất cả chìm trong màu đen rờn rợn, chỉ tiếng mưa là không gì dấu được. Đêm ấy, hai mẹ con chong mắt nghe mưa.


***************************


Sáng sớm mẹ dậy nấu xôi, nói là để cho con gái ăn. Tôi bảo mẹ cứ nghỉ đi, ăn uống là bao. Nhưng mẹ vẫn nấu, xôi ngon, thơm phức, ngấm vào đó bao ngày mỏi mòn, nước mắt, công lao của người mẹ tảo tần. Đã lâu lắm mới được ăn xôi mẹ nấu và ngon như thế. Có lẽ, cả tuổi thơ và đến thời con gái, những bữa xôi ngon thế này chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Xốc lại ba lô, tôi chuẩn bị lên đường. Một đêm bên mẹ đỡ nhớ là được. Còn nhiều chuyện đang chờ đợi tôi, những đứa bạn hứa đưa tôi đến với người má mì khác, biết thương người. Chúng bảo người ta có nước mắt. Có nước mắt là có tình người. Mẹ chạy ra từ bếp, quảy quả ngăn:

- Đừng đi nữa Vy ơi, ở nhà với mẹ - Tiếng mẹ thảng thốt lẫn với tiếng ho khan

– Mẹ không cần tiền.

- Hãy để con đi mẹ nhé, con phải làm cho mình sống khác. Mẹ cũng thấy cả cái làng này người ta khinh mình đến thế nào rồi, lại còn ám ảnh bởi kẻ đê tiện đó. Cha con – À không – Ông ấy cũng không về nữa. Con đã bị mang tiếng, không gì gột rửa, đã vậy thì không còn gì để mất, phải thay đổi thôi mẹ ơi.

Dù đã nén đừng để moi nỗi đau ra, nhưng tôi đã không làm được. Chỉ mong mẹ sẽ hiểu và thông cảm. Chân mẹ gần khuỵu xuống, tay huơ huơ lần lần mái tóc tôi.

- Con không được đi, mẹ cấm! – Mẹ đổi giọng, gay gắt – Mày mà đi mẹ không thiết sống nữa. Tao là mẹ mày, làm sao tao nỡ… Vy ơi…

Tôi van nỉ, quỳ thụp hai đầu gối xuống, mắt ngước lên. Cần phải thế này, mẹ là mẹ. Người mẹ yêu con, tình mẫu tử đi với nước mắt. “Mẹ đừng giữ con. Con cần phải khác, tìm cuộc sống khác. Nơi này đã quá chật hẹp rồi. Con sẽ đưa mẹ đi khi có thể”. Mẹ quyết liệt hơn, nếu tôi đi mẹ sẽ đập đầu vào tường chết luôn. Mẹ làm thật, tôi bật dậy ôm ngang người. Khi ngọn lửa giận chùng xuống, thì cũng là lúc tôi mềm lòng, không muốn trái ý để mẹ làm chuyện dại dột, chỉ một chút thôi là con mất mẹ. Không còn mẹ làm sao muốn sống trên cõi đời.

Con sông Guột quê nhà vẫn đợi tôi những khi cơ cực buồn bã trở về, con sông gắn bó suốt tuổi thơ, nghe những lời thầm thì. Tôi biết khóc, sông biết nghe và là chỗ cho tôi rơi lệ. Qua cơn mưa gió tội tình, sông giống người trở mình sau cơn ngủ say, nước đục ngầu. Vài khóm bèo trôi dạt trên mặt nước không biết đỗ nơi nào…

Ba ngày liền tôi ra ngồi với bờ sông, ở đó tôi tìm được thế giới của mình, bình yên và bao la sau thế giới lòng mẹ. Với tôi, trái tim mẹ rộng vô bờ, dòng sông là thứ hai. Tôi nói với sông nhiều quá, không nhớ mình nói những gì, lẽ nào sông quên mất. Bỗng thấy mình tủi thân, tôi có cha, vậy mà chưa bao giờ nhận được sự chăm sóc dù bé nhỏ, ngẫm lại, vẫn có đứa không bằng mình, không có cả cha lẫn mẹ. Chúng đi làm với tôi, thi thoảng nhăn nhở kể, nói cười, cứ như điều đó chẳng gợn trong lòng chút đau đớn nào. Thế mà lúc uống rượu vào, chúng khóc. Càng thấy con người không phải gỗ đá cỏ rác. Không cha, không mẹ là thiệt thòi, đau khổ chẳng gì hơn. Tự động viên mình, có mẹ, sống thôi.

Sáng sớm ngày thứ tư, mẹ còn say ngủ, tôi quyết định trốn đi, để lại cho mẹ mảnh giấy ghi mấy dòng. Mẹ yên tâm, con biết mẹ phải chịu đựng thêm những ngày mòn mỏi, con sẽ về, đợi con nhé. Nếu không trốn, không bao giờ tôi có thể thực hiện được mong muốn của mình. Đành nhẫn tâm với mẹ vậy, vì ngày mai của con, ngày mai khác.

Bước ra khỏi nhà thì cũng là lúc nỗi lo bùng lên. Sợ mẹ làm chuyện gì dại dột, nhưng không thể dừng được, lẩm bẩm cầu xin mẹ sẽ bình tĩnh, để rồi con gái sẽ về.

Qua đê là đến đường cái, đi một đoạn nữa có xe ôm. Tôi ngồi lên, không cầm được nước mắt. Gió thổi vù qua vai, qua tóc, qua những nỗi niềm giằng co trong tâm trí. Phố xá sẽ là nơi tôi thỏa hận đang sôi trào. Hơn nữa, ở đó có những gã đàn ông bội bạc, ham của lạ, ở đó có… tiền. Rất nhiều tiền, nên tôi có thể kiếm được.

Mẹ sẽ lại ra ngóng tôi mỗi buổi chiều như vẫn từng ngóng, mòn mỏi đợi mãi, và cũng chỉ hun hút lối ngõ, tôi ở xa không mau về được. Lòng mẹ như muối bóp, nhưng không cấm cản được con. Và lúc nào đó, khi đứa con bất hiếu này trở về, bước chân đến sân, mẹ lại ôm chặt lấy: “Tao mong mày đến mỏi mắt…” rồi khóc, rồi cười. Tủi ơi là tủi!

****************************

Người đàn ông, tên Lương Tri. Mà tên gì đối với tôi không còn quan trọng. Dù sao ông ta cũng chỉ là một kẻ phụ bạc. Mẹ cứ thắc mắc, mình ăn ở hiền lành mà luôn vớ phải những kẻ phụ bạc, ăn cháo đá bát. Mẹ gọi ngôi nhà mình là cái hố để người ta đổ vào thứ rác thải. Khi ấy tôi mới bốn tuổi. Cha tôi là người ham rượu và không bao giờ chịu sống an phận với mẹ, bằng lòng với những gì đang có quanh mình. Một ngày mẹ nhìn thấy cha mang lên giường nhà mình người đàn bà khác. Lúc đó, bao giông bão dồn vào hai hốc mắt, chỉ chờ cuộn lên, nhưng đã dịu xuống, để rớt hai cục nước trong veo. Mẹ chỉ khóc, không trách móc oán than vì biết thân phận mình, đêm đêm đứng ôm tôi, con ngõ tối om làm chứng. Còn quá nhỏ nên tôi chỉ biết quệt tay ngang mặt mẹ và khóc theo. Cha tôi càng nhẫn tâm, luôn dẫn người đàn bà đó về, rồi đi, rồi về. Mỗi lần như vậy lại mang bao giông bão, nắng nôi, chói gắt… Nhà không còn gì đáng giá. Mẹ vẫn mím chặt môi đến bật máu nhìn cha mang cả từ chiếc xe thồ cọc cạch đi bán…

Cha tôi khi đó có thể nói nghèo khó như một gã ăn mày. Nợ nần chồng chất, đói rách, bệnh tật liên miên, suốt ngày lang thang ngoài chợ. Mẹ tôi thương tình mua cho mấy cái bánh rán ăn, nói dăm ba câu chuyện. Lúc về, người đàn ông rách rưới được mẹ cho phép dóng xe và đẩy về nhà hộ. Bà ngoại tôi khi đó làm nghề bốc thuốc, hay thương và giúp người. Thấy anh chàng kia có vẻ hiền lành, cho ăn cơm, rồi thấy tội nghiệp quá, giữ ở lại để giao hàng cho bà. Một ngày có rất nhiều người đến đòi anh ta trả nợ, không sẽ ăn đòn. Bà đứng ra trả nợ giúp. Anh nghèo quỳ thụp xuống, chắp tay cảm ơn rồi hứa sẽ làm lụng cả đời để đền đáp. Về sau mẹ và chàng Lương Tri nghèo thành vợ chồng, sinh ra tôi.

Bà mất, dì tôi lấy chồng xa, cuộc sống khổ ải quá, bỏ về, mắt mọng nước. Mẹ hỏi, mãi dì mới nói: “Chồng em bỏ đi rồi”. Hai chị em ôm lấy nhau khóc. Phụ nữ nhà này sao khổ thế, bà vẫn bị người làng khinh rẻ không chồng mà có hai con. Từ đó phải cất mình ở riêng nơi vắng vẻ hun hút đầy tre pheo này. Con ngõ từ nhà ra đường ngoằn nghèo, dài hun hút. Những số phận buồn bã hun hút ngày đi qua. Bà không cãi lại ai, đi đường cúi gằm, mẹ hỏi: “Cha con là ai?”. Bà chỉ khóc, nói: “Hai chị em mày có cha” không thêm lời nào, chả hiểu tại sao.

Bà mất, mang theo bí mật xuống mồ. Dì được gả cho một người thuyền chài mãi tận Nha Trang, do trước đây dì đi thanh niên quen nhau. Chưa ai quyết định chắc chắn được gì hay người đàn ông ấy vô sinh. Ông ta bỏ đi, dì ôm nỗi xót chua về làng trong sự cười nhạo. Có kẻ ác mồm ác miệng trù dập: “Vô phúc từ đời mẹ rồi, con cái sau này sẽ không đứa nào ra gì”. Lời lẽ cay nghiệt ấy giờ vẫn nhưng nhức trong tôi.

Sau rất nhiều ngày trôi dạt đâu đó, cha tôi về. Mang cả nắng nôi và rất nhiều sấm sét. Mẹ không nói gì, mắt ầng ậc. Ngày đầu cha đã mua một chai rượu ngồi tu, càu nhàu cái nhà không bằng chuồng lợn nhà khác. Mẹ nói: “Ông không làm thì để tôi điên, tôi làm nuôi con, nuôi ông. Chỉ mong ông đừng phá nữa”. Cha tôi trợn mắt, ném điếu cày đến vèo. May mẹ tránh được. Miệng ông méo xệch: “Mày đừng có bố láo, tao phá cái gì”. Mẹ bỏ ra chỗ khác không nói thêm. Ở nhà hai ngày, nói chán không chịu được. Lại đi, trước khi đi gí nắm đấm vào mặt mẹ; “Đừng có càu nhàu chửi sau lưng, thằng này sẵn sàng giết”. Mẹ đã chịu đựng quá nhiều và dâng lên niềm ân oán sâu thẳm. Cơn bão là cha tôi cuốn đi, mang theo gần một yến gạo mẹ vừa đong ngoài chợ về.

****************************

Tôi lớn lên bằng bàn tay của mẹ, cơm ăn, nước uống, tình thương… dành cho tôi bằng cả hai người. Miệng tôi luôn hỏi về cha, cha ở đâu, sao mãi không về? Có phải cha con chỉ biết làm việc xấu không? Đúng rồi, cha chỉ biết đánh mẹ và mắng con, có bao giờ nói với con một lời dịu dàng. Lại còn nói con là một đứa vô phúc. Vô phúc là thế nào hả mẹ? Mẹ chỉ biết giấu đi đôi mắt long lanh vẫn vùi trong bóng tối đêm đêm. Mẹ thương cha, cái tính sốc nổi bất cần ấy sớm muộn gì cũng ôm thiệt vào thân. Thời gian nhuộm dần sợi bạc trên tóc. Mỗi chiều, mỗi sớm, nắng hay mưa, mẹ dẫn tôi ra ngõ đứng trông về một nơi xa hút. Mà cha tôi, dường như tình yêu thương vợ con đã kiệt cùng, hiếm hoi, phai tàn trong những cuộc tình gió mưa nơi nào. “Mẹ đừng mong nữa” – câu ấy tôi nói với mẹ vì sốt ruột không thấy cha về. Chắc ông không thương nên không muốn thăm tôi, vậy thì mong làm gì. Mẹ nói: “Người ta là bố con đấy, mẹ không mong bố con thì mong ai”. “Nhưng mẹ đừng khóc”. “Mẹ đâu có khóc, mẹ đang cười đây”.

Mùa vẫn rù rì đi, ngày cõng nắng hoặc mưa rót xuống đất này, thi thoảng tôi mới lấp ló chơi với mấy đứa trẻ xóm bên, và đắng đót nghe những lời nguyền rủa của người lớn. Nhưng cái Mai đã bảo vệ tôi, nó kéo theo được hai đứa nữa nên đứa trẻ ranh là tôi không hề bị cô lập hoàn toàn.

Cuộc sống đeo lên người mẹ chuỗi ngày cơ cực, vít còng lưng xuống để làm lụng nuôi tôi, bụng mẹ bé dần.

Hai năm không thấy cha về. Tôi dần lớn lên cùng sự mòn mỏi của mẹ. Hai mẹ con dựa vào nhau sống trong ánh mắt khinh bỉ và xa lánh của người làng. Sự xa lánh ấy ngày càng ác liệt. Lúc này, chỉ gã trưởng thôn là tỏ vẻ quan tâm. Gã vì dục tính dâng lên, vì sự thèm khát, khốn nạn. Gã trêu ghẹo tán tỉnh mẹ, dở thói sàm sỡ. Rất nhiều lần bị mẹ từ chối. Gã điên lên: “Cô chỉ là một con… con… con điếm thôi! Đừng có sĩ diện!”. Hai mắt mẹ tôi bùng lên hai cục lửa, để rồi dồn tất cả tức giận vào cái gậy, nhưng mẹ đã không giáng đòn: “Cút, cút khỏi đây ngay! Đồ khốn nạn! Cút!”.

Gã khệnh khạng bước, đầu chúi lại, ném cái nhếch mép đĩ thõa, tay vung lên quá đầu rồi chìm sau bóng cây.

Gã đi rồi, mẹ ngồi bệt xuống đất, vạ vật cùng nỗi đau xót.

*****************************

Lắm lúc tôi thèm có bàn tay cha, như bọn trẻ trên làng, mấy đứa cùng lớp. Chúng có cha để khoe, có mẹ để gọi, tôi nghèo, chỉ có mỗi mẹ, còn cha… Nhưng đôi khi, nỗi đau thiếu vắng của tôi lại bị một đứa rạch cho ngoác ra, ngoáy sâu vào. Chúng nói cha tôi đi với gái, đi làm cướp, bị công an bắt, cha tôi là người xấu… Chúng nghĩ ra tất cả những lời cay nghiệt nhất để được hả hê, tôi càng đau chúng càng vui sướng. Đôi khi không chịu được, tôi đã xông vào một đứa, đánh nó ngã, tức thì dăm bảy đứa khác cùng loạt đánh tôi tơi tả, miệng và mũi rớm máu. Sau cuộc chống cự yếu ớt, người tôi nhàu nát nằm lại bên vệ đường. Chúng ha hả cười rồi kéo nhau đi. Tình cảnh ấy tôi thường phải lãnh nhận, vì không thể nào thắng nổi chúng, nên tôi chịu đựng mà tránh đi nơi khác, đừng để chúng cảm thấy mình đang căm giận. Hoàn cảnh ấy theo tôi lớn lên, khi trái tim con trẻ chi chít vết thương, lại không làm sao chữa trị cho lành, nó trở nên cô độc và cầu mong tình yêu mỉm cười. Trong ngập ngụa bóng đen bao phủ đời, nên thắp một đốm lửa nhỏ, còn hơn ngồi nguyền rủa bóng đen.

Tôi mười lăm tuổi, đôi má đã biết đỏ khi anh em nhà Cuội trêu ghẹo. Hai năm trước, nghe tin mẹ phải vào trạm xá vì bệnh, tôi lao đao chạy từ trường lên, vấp vào cục đã trội trên đường nhỏ, lăn xuống vệ cừ, ướt lướt thướt. Tối về, chỗ đó rơm rớm máu. Mẹ nằm trên giường thều thào: “Con gái mẹ lớn rồi, đã có kinh”. Tôi hỏi kinh là gì? Mẹ rành rọt nói rõ tất cả, thế nào là kinh, và màng trinh là cái gì. Sau này, đi làm nghề, tôi biết bao đứa con gái đã bán cái trinh của mình với giá cao.

Gã trưởng thôn không từ bỏ ý đồ chiếm đoạt, mẹ tôi có thể thay cho "con mẹ già" nhà gã một thời gian (theo ý gã). Mẹ tôi không bao giờ chấp nhận nỗi nhục ấy nhưng vẫn bị mang tiếng với dân làng. Lão trưởng thôn có cái cười man rợ, ria mép rung rung, bụng phệ núc ních theo điệu cười. Mẹ phải chịu nhiều tai tiếng vì kẻ rất tai tiếng này. Một đêm rờ rợ ánh trăng mười sáu, gã trưởng thôn mò vào nhà trong cơn nửa say nửa tỉnh, cái bụng phưỡn về phía trước. Mẹ tôi ngồi trên giường khóc lóc van xin. Lúc đó tôi từ nhà đứa bạn về, nghe tiếng mẹ, tôi hiểu chuyện gì đang xảy ra. Chạy vào bếp cầm con dao, tôi xộc vào nhà. “Hãy cút khỏi đây ngay, không mẹ mày cho nhát dao”. Miệng quát nhưng tay tôi run lập cập, chỉ một cú va chạm nhẹ nó có thể rơi ra ngay.

Lúc đó chỉ ý thức được một điều là bảo vệ mẹ. Và để an tâm nên tôi đã đưa nốt tay kia nắm lấy chuôi dao. Trưởng thôn mặt méo, lúng túng “Bình tĩnh, bình tĩnh nào”. Tôi hất hàm, ném vào gã nắm lời như cát bỏng “Một kẻ khốn nạn như mày cũng đáng là trưởng thôn hả? Đồ lợn, cút ngay”. Tôi vung dao lên đuổi theo gã. Đứng lại khi bóng kẻ khốn nạn đã chìm vào bóng đêm, tôi trở lại bên mẹ. Mẹ khóc, vũ khí đó biết sợ. Tôi tự nói với mình sẽ chém bất cứ kẻ nào dám xúc phạm danh dự của hai mẹ con. Mẹ ôm lấy tôi: “Con mẹ giỏi quá, con mẹ lớn thật rồi”. “Mẹ yên tâm, con sẽ bảo vệ mẹ, nếu gã đến đây con sẽ chém”.

Vào một ngày thê lương, chưa bao giờ có trong chuyện cổ tích tôi học ngày bé, mẹ đi chợ, chỉ mình tôi ở nhà, gã trưởng thôn đến. Tôi ngồi thái thuốc cho mẹ về phơi. Gã hỏi: “Mẹ con có nhà không?”. Vừa hỏi gã vừa he hé cặp mắt híp của mình vào nhà. Tôi nói không, ông cút đi. Gã ngồi xuống, miệng há, mắt dán vào ngực tôi: “Lớn quá rồi nhỉ! Đẹp không khác gì mẹ, đúng là mẹ nào con nấy”. Tôi không ngửa mặt lên, cũng không thèm nói. Gã túm dao giữ lại, đưa tay vuốt má. “Ông bỏ ra không tôi cho nhát dao”. “Cho đi, giữ thế này, cho làm sao được”. Gã ghé sát miệng vào má tôi, giọng rờn rợn: “Này, mẹ không được thì con vậy”. Gã giằng con dao từ tay tôi, rồi ôm chặt ngang người. Tôi giẫy giụa, la hét. Nhưng ở cái nơi thanh vắng chẳng người qua lại vày không ai nghe thấy. Giẫy giụa đến mấy cũng không thoát khỏi con quỷ béo đang đè lên người mình, quần áo bị giật tung, tơi tả. Con thú đã xộc được vào người tôi, một dòng nước như đang chảy, mắt gã nhắm chặt rồi mở ra khi dòng nước âm ấm không còn, gã buông ra. Tôi mỏi nhừ sau cuộc chống cự, còn gã hả hê đứng dậy bỏ đi không nói lời nào. Mẹ về thấy tôi ôm đống chăn rên rỉ. “Có chuyện gì vậy con?”. Tôi chỉ xuống phía dưới: “Mẹ ơi, gã… gã… trưởng thôn…”. “Trời ơi!”. Mẹ đau xót, hét lên – “Tên khốn nạn cướp mất đời con gái của con tôi rồi”.

Mẹ ôm con bật khóc, tóc hai mẹ con trộn vào nhau…

Không biết gã trưởng thôn đã nói gì mà ngày hôm sau, ra đường lũ trẻ con hô hoán gọi tôi là con điếm. Trêu: con làm điếm theo mẹ. Lúc đó, thực sự tôi không rõ điếm là gì. Khóc. Về nhà hỏi. Mẹ lảng sang chuyện khác, biết mẹ giấu một nỗi buồn.

****************************

Hai mẹ con đấu tranh với sự khinh miệt dè bỉu của dân làng. Đôi khi, sự khinh miệt còn đau đớn hơn lưỡi dao cứa vào da thịt. Mặt mẹ ngày càng cúi xuống. Bất công quá, những người kia có quyền gì mà khinh rẻ mẹ con tôi?

Tôi quỳ hàng giờ trước tòa thánh cầu nguyện, thầm thì bằng lời của một con bé chưa bao giờ ra khỏi lũy tre làng, trong như nước giếng, giãi bày hết tâm sự. Và, không quên kể tội người làng để nhận được bàn tay nhân từ của Chúa, của Đức trinh nữ Maria. Dù rằng trong lúc này, Người không nghe thấu tiếng tôi cầu xin, nhưng lòng nhân từ của Người đã là chỗ dựa cho tôi và cả mẹ nữa.

Chị Dung là họ hàng xa nhà ngoại tôi trước, hơn tôi ba tuổi, rủ đi làm, nói là ra phố rửa chén, rửa bát. Tôi đã nghỉ học, cũng muốn ngoi ra khỏi làng, vượt qua con sông. Mẹ ủng hộ ý thích của con gái. “Mày đi làm cho biết đó biết đây, ở cái làng này mãi cũng chán. Ra đấy ngoan ngoãn học hỏi người ra. Nhớ là phải trên kính dưới nhường”. Tôi chép miệng nhưng không để mẹ biết, phần này mẹ không tường bằng tôi, ngoài đó chắc không như mình.

Tôi hồi hộp chuẩn bị tinh thần, thấy tim mình nhảy múa rộn rịp làm sao. Mấy ngày liền mẹ dặn đi dặn lại về cách ăn ở. Người già bao giờ cũng cẩn thận. Lại còn giao tôi cho chị Dung nữa: “Em nó còn ngu dại, cháu kèm cặp giúp gì, láo hỗn cho cháu mắng chửi”. “Gớm, cái Vy nó ngoan thế, láo hỗn gì đâu. Dì cứ yên tâm”.

Bước chân đi, mẹ bùi ngùi đem giấu nỗi buồn thương sau những nụ cười gượng gạo. Khỏi làng rồi, còn hình dung dáng mẹ đứng khắc khổ dưới tán tre pheo trông ngóng con. Trước mẹ trông một thì nay trông hai. Cha tôi vẫn bặt vô âm tín. Mà trước còn có tôi trông ngóng cùng mẹ, nay mẹ chỉ một mình.

Sông tóc dài, mùi hoang hoải đưa đưa theo cơn gió. Sông nhìn tôi và tôi nhìn lại. Hãy nằm bình yên canh giữ cho làng, chứng kiến những gì làng đang làm. Tao sẽ về kể chuyện mày nghe. Tôi khoác lên vai cả mùi đất bùn nơi quê, cả sự ngờ nghệch chưa nếm vị đời. Hy vọng một quãng đời khác.

Phố đẹp và sang trọng, ai đi phố về cũng kể vậy.

*******************************

Đó là cảm giác ghê rợn và nhục nhã. Tôi đã bán mình, một sự sa ngã dễ dàng bởi lời cám dỗ. Hay đúng hơn là lúc đó, chị Dung rót vào tai tôi những lời làm tôi cảm giác chị nói đúng quá. Một người đàn bà mà tất cả đám nhân viên lớn bé đều gọi là mẹ cũng rót mật vào tai tôi, làm tôi mụ mị và bị sai khiến. Chị Dung đưa tôi vào nhà nghỉ. Mấy ngày tôi không phải làm gì, chỉ ăn và chơi. Thấy mấy chị cứ nói đi khách, đi khách, của ông này to ông kia ngắn, ông khác lại dai sức… Và đếm loạt soạt những đồng tiền mà họ gọi đó là tiền “bo”, rất nhiều. Tôi ước mình được cầm những đồng tiền ấy. Chị Nghĩa nói: “Đi khách đấy, đi khách sẽ được nhiều tiền”. “Đi khách là gì?” – tôi ngờ nghệch hỏi. Chị Dung bảo đi khách là đi tiếp khách, họ cần gì thì mình nhiệt tình chiều, sẽ được nhiều tiền lắm.

Ở quê, khi cần mặc quần lót, tôi chỉ biết một loại vải mềm, dễ chịu. Ra đây thấy các chị mặc cái quần bé xíu, mặc vào ran rát, ngứa ngáy như mảnh lưới con, có mặc cũng như không, đến buồn cười.

Chị Dung đưa cho tôi bộ quần áo ngắn cũn cỡn bảo mặc vào. Quần chỉ kéo đến đầu gối, còn áo không che kín được cái rốn. Tôi thấy khó chịu. “Eo ơi, em không mặc đâu, xấu hổ chết!”. “Không học làm sao kiếm được tiền hả Vy? Chịu khó đi, nghe lời chị”. Mẹ đã dặn phải nghe theo chị Dung, chị ấy ra phố trước, chắc chắn là khôn hơn, thôi cứ làm theo.

Bà chủ đưa cho tôi mấy bộ quần áo nữa. Tôi hỏi chị Dung “Bà ấy cho à?”. Chị lắc đầu, chỉ cho mượn thôi, làm được tiền phải trả. Tôi được cử đi tiếp một vì khách quý, đó là lời bà chủ nói, chị Dung cũng nói vậy. Mấy chị khác cũng thế. Họ bảo lần đầu nên phải cẩn thận, đừng để khách phật ý. Họ xức nước hoa, bôi phấn và buộc lại tóc cho tôi, bảo mặc áo hở ngực, lộ ra hai khoảng trăng trắng, với cái hốc sâu. Tôi thấy run và ngượng, loi choi đứng trước gương soi mình. “Được rồi, đừng có run, xinh ra phết. Khách sẽ hài lòng cho mà xem”. Tất cả mọi chuyện đã xong, chị Dung dẫn tôi vào phòng.

Sau khi gõ cửa, bên trong có tiếng “cứ vào”, chị Dung đẩy cánh cửa ra, một người đàn ông đã nằm sẵn trên giường. Chị Dung vui vẻ: “Anh ơi, em này nhé. Xịn đấy, chúc anh vui!” rồi chị đẩy tôi vào. Tim tôi đập loạn xạ, phập phồng khuôn ngực trắng lộ liễu.

Người đàn ông ngồi hẳn dậy, ông ta có nước da trắng, đẹp trai, chắc chắn là người ăn sung mặc sướng. Tôi đoán thế. Ông ta chừng bốn mươi. Bảo tôi ngồi lại mép giường. Tôi khép nép ngồi xuống, ông ta đưa hai cánh tay ra ngang bụng tôi. Bị bất ngờ, tôi giật mạnh, đứng dậy. Ông ta đứng dậy, xuống khỏi giường, chỉ mặc mỗi cái quần xà lỏn. Tôi lùi sát lại tường. Người đàn ông đưa tay sờ lên ngực, tôi hất ra. “Kìa đừng làm thế” – ông ta nói “Em làm thế thì vào đây làm gì?”. Tôi trả lời: “Tiếp khách”. “Vậy thì tiếp đi”. “Tiếp khách chứ không phải làm thế”. Ông ta phá lên cười: “Đúng là con gái chưa bị lần nào, rất ngây ngô. Càng hay. Nào chiều anh đi”. Ông ta lao vào ôm chặt lấy tôi, tôi hét lên, ông ta càng ôm chặt, hai tay chặt như gọng kìm, áo tôi trễ xuống ngang lưng. Không sao thoát được, tôi tìm thấy cánh tay ông ta, cắn thật mạnh. Ông ta kêu ai ái rồi buông tôi ra, chờ có thế, tôi hốt hoảng mở cánh cửa lao ra ngoài.

Nhà hàng to tiếng một lúc. Sau, bà chủ trấn an được ông khách nọ. Ông ta cáu giận vì sự phản kháng của tôi. Bà bắt tôi tiếp tục vào với ông này, tôi không chịu, mặt giàn giụa nước. Ông khách cũng không còn hứng thú, bỏ đi.

“Thế này thì mất hết khách chứ còn gì. Con kia, mày làm gì thế hả?”. Tiếng bà rít qua kẽ răng, cả túi phấn son ném vù về phía tôi. Chị Dung cũng bị mắng. Chỉ đến tối thôi, giọng bà chủ đã dịu xuống trăm lần, lại nhỏ nhẹ bình thường. “Con đã vào đây rồi, phải biết mình kiếm được tiền là ở họ”. Tôi đòi về, xin phép ra ngoài đứng khóc một mình. Chị Dung an ủi: “Mày muốn có tiền không hả Vy? Muốn có tiền thì phải chiều người ta. Mày có biết người làng mình họ chỉ coi mẹ coi mày là gái điếm không? Chính mày đã nghe thấy mà. Gái điếm chính là đi bán cái đó để lấy tiền đấy. Dù sao người ta cũng coi mày như vậy rồi, hãy làm đi, kiếm tiền, thật nhiều mà sống. Không có tiền chúng nó khinh cho như giẻ rách. Tao đã làm rồi. Mày tưởng đi rửa bát quét nhà mà mang được về nhiều thế hả. Mấy năm nay tao làm điếm đấy, mày biết chưa?”. Tôi rưng rức, không nói lên lời, mắt nhòa nhạt trong đêm leo lét ánh điện. Chị Dung day day người tôi “Đừng như vậy nữa. Mày có thương mẹ mày không?”. Tôi lí nhí “có”. “Vậy thì đợi chờ gì, thương mẹ thì phải làm cho mẹ đỡ khổ, có tiền giúp mẹ, cho mẹ được sung sướng, bố mày không về, đã vui vẻ ở nơi nào rồi. Mày cứ có nhiều tiền, đưa mẹ mày ra phố mà sống, không đứa nào dám khinh”.

Không khóc nữa, lời chị Dung nói đúng quá. Nghèo thì hèn. Hèn nên người khác chê bai, muốn nói gì cũng được. Chỉ còn cách kiếm tiền để mẹ sống sung sướng. Tôi nuốt nước mắt. “Chị Dung, em muốn có tiền, nhiều tiền”. “Vậy là chịu tiếp khách hả?”. Tôi gật, Chị reo lên, kéo tôi vào chỗ bà chủ . “Mẹ ơi, cái Vy chịu tiếp khách rồi”. Bà chủ cười thỏa mãn, hai mắt him híp khoan khoái. Tôi nhìn thấy cả khuôn ngực to quá cỡ của bà cũng rung rinh.

Lần đầu tiên tự nguyện để người khác đè lên mình. Người đó vâm vấp, tướng giàu sang. Tôi cởi áo quần. Người đó ngăn “Anh cởi cho em, em cởi cho anh, vậy mới sướng”. Tôi chiều theo ý đó. Bị bóc trần trong căn phòng chỉ có hai người, tôi hồi hộp thở, và thấy toàn thân rờn rợn, dâng lên niềm cảm xúc khó nói… Tôi thận trọng cởi quần áo cho người đó.

Cuộc làm tình, có thể nói là ngoạn mục. Sau này, trong cuộc đời, tôi không gặp người nào làm tình kỹ lưỡng như thế. Ông ta chà khắp người tôi bằng miệng, bằng lưỡi... khiến tôi cảm thấy mình được thăng hoa...

Lần đó tôi được trả một triệu, bà chủ bồi dưỡng thêm một ít nữa, nói là ngoan sẽ được thưởng nhiều. Rồi nghe chị Dung nói, người khách đã mua trinh của tôi với giá ba triệu. Lần đầu tiên tình nguyện với đàn ông…


**********************


Trước con sông, tôi thực sự bị nỗi nhục nhã bủa vây. Nói gì với sông đây? Mình đã lừa dối sông, đã làm chuyện đồi bại rồi. Sông chắc hận tôi, khinh bỉ tôi lắm, giống như sự khinh bỉ của dân làng đã phùi cả ra mép. Tôi quỳ trước sông cho gió phả vào. Nhưng, này sông, đã vung cái lao ra phóng đi rồi, phải theo nó thôi. Tôi đã hứa với mình phải lo cho mẹ, càng nghĩ càng thương. Mẹ đã khổ quá nhiều.

Cầu mong cho có bão, bão cuốn tôi đi.

Đêm nằm mơ thấy cha tôi về. Vẫn là những kiểu hành hạ cũ, cứa vào lòng hai mẹ con. Vẫn là ánh mắt hằn học và cái nhìn thét lửa, cháy bùng, có thể đưa tay bóp cổ hai mẹ con bất cứ lúc nào.

Mấy ngày về thăm mẹ, tôi đều bị ám ảnh bởi những hình ảnh ấy. Cha đè lên bụng người phụ nữ không còn mảnh vải nào, oằn oại, mướt mồ hôi. Hai người vật vã, cấu víu. Và tiếng rên rỉ, tiếng thở, tiếng ken két của giường tre… Chuyện lâu rồi mà như đang diễn ra trước mắt. Lúc đó tôi không muốn chớp mắt để ghi rõ chi tiết tội lỗi của cha, vậy mà không thể nhìn lâu hơn. Cho đến lúc cha tôi đủ trí khôn, càng thấm thía nỗi đau của mẹ, người phụ nữ tận mắt bị chồng phản bội.




Tôi không dám nhìn mẹ, chạy vù ra sông như cơn gió trong sự khó hiểu của mẹ.


Cha tôi không có một hình ảnh đẹp nào để tôi phải nhớ, phải nể. Tình thương trong ông nghèo nàn, như chính những ngày ông hưởng cuộc sống của kẻ ăn mày. Đối lập đó là hình ảnh mẹ. Nhưng để tìm được nụ cười trên khuôn mặt mẹ thì khó lắm thay. Chính cha tôi đã đánh cắp những nụ cười, cả hạnh phúc của người đàn bà đem đi rao bán. Khúc sông nào đó trên đường đời, tôi không bao giờ dám nhớ ông.

Mẹ tôi vui mừng khi đứa con gái đưa tiền: “Con gái mẹ đã làm ra tiền rồi, giỏi quá”. Tôi không dám nhìn mẹ, chạy vù ra sông như cơn gió trong sự khó hiểu của mẹ. Tối về mẹ hỏi, tôi lại tránh đi: “Con vội ra vớt chiếc thuyền ngoài sông”.

Nhìn mẹ lui cui mắc võng, thổi lửa nấu cơm, um úm khói vây quanh người. Càng thương bấy nhiêu ngày tháng qua đã trôi đi buồn bã, bao nhiêu ngày mẹ nhóm khói, nhòe cay mắt mà chẳng biết đến ngày mai nỗi vất vả có vơi đi không. Tôi ào xuống sông, gào thét như con trâu điên khùng ngụp nước. Chảy đi sông ơi, chảy đi nỗi buồn, chảy đi thời con gái đau nhói, sông tóc dài ơi…!

Dìm mãi, dìm mãi, tôi không chịu vớt mình lên.


(Hết chương II - đón xem chương III)


Nguồn: 24h.com.vn

 

Web Design Technology blogs [ itdl ] Auto Backlink

HomeBlog ArchiveServicesLink2MeContactSubmit your PostPost RSS

Copyright © 2012 [ itdl ] Just for Share. Designed by Ngoc Luong - Freelancer

Best view in Chrome 11+, Firefox 5+ with resolution 1024 x 768 pixel. Powered by Blogger.